Lấy cao răng là loại bỏ chất lắng cặn cứng của các muối vô cơ (gồm canxi carbonat và phosphate phối hợp với cặn mềm, vi khuẩn, xác các tế bào biểu mô…) trên răng.
VÌ SAO CẦN LẤY CAO RĂNG?
Cao răng có thể dẫn đến các bệnh như viêm lợi với các biểu hiện đánh răng chảy máu, miệng có mùi hôi. Cao răng cũng có thể gây viêm nha chu dẫn đến tiêu xương làm răng bị đau, ê buốt khi ăn uống, nặng hơn có thể gây lung lay và rụng răng. Ngoài ra, cao răng còn gây ra viêm tủy ngược dòng. Vi khuẩn trong mảng cao răng cũng là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh ở niêm mạc miệng (viêm niêm mạc miệng, áp-tơ mà dân gian vẫn gọi là bệnh lở miệng), bệnh ở vùng mũi họng (viêm amidan, viêm họng), bệnh tim mạch. Vì vậy, có nhiều lý do để phải lấy cao răng:
- Thứ nhất, độc tố của vi khuẩn trong mảng cao răng gây ra viêm. Từ phản ứng viêm này gây ra hiện tượng tiêu xương ở răng làm cho lợi mất chỗ bám dẫn đến càng ngày răng càng dài, để lộ ra vùng xương răng không được tổ chức quanh răng bảo vệ. Bệnh nhân sẽ thấy xuất hiện cảm giác ê buốt khó chịu.
- Thứ hai, chiều dài chân răng là không thay đổi, nên khi xương càng tiêu nhiều thì độ dài chân răng nằm trong xương càng ngắn lại dẫn đến răng lung lay và quá trình tiêu xương càng diễn ra nhanh hơn.
- Thứ ba, tiêu xương sinh lý là quá trình không thể tránh khỏi theo thời gian và việc làm cho xương không bị tiêu là một việc không tưởng. Do đó, duy trì xương ở mức độ ổn định và vô cùng quan trọng.
Do những ảnh hưởng này mà cao răng cần được lấy sạch. Tốt nhất nên kiểm tra các mảng bám răng định kỳ 3 – 6 tháng/lần. Không nên đợi có cao răng mới đi lấy, vì khi cao răng hình thành thì đã gây ra tổn thương và để lại hậu quả.
Có thể khi lấy cao răng sẽ có cảm giác ê buốt (không phải là đau), chảy máu nhiều hay ít tùy thuộc tình trạng cao răng và mức độ nhạy cảm của từng người. Sau khi lấy cao răng xong, sẽ có cảm giác ê buốt khi uống nước nóng lạnh.. cảm giác này sẽ hết sau vài ngày.
QUY TRÌNH LẤY CAO RĂNG ĐỊNH KỲ TẠI dr care
Bước 1: Thăm khám và tư vấn Trước khi thực hiện bất cứ dịch vụ nào tại nha khoa Dr Care, bạn cũng đều được thăm khám cẩn thận để kiểm tra xem tình trạng sức khỏe răng miệng có tốt không. Nếu có vấn đề gì, nha sỹ sẽ đưa ra hướng khắc phục kịp thời.
Bước 2: Vệ sinh răng miệng Để cao răng lộ ra và dễ dàng lấy sạch đồng thời đảm bảo môi trường sạch khuẩn, nha sỹ sẽ làm vệ sinh khoang miệng bằng dung dịch y tế chuyên dụng.
Bước 3: Lấy cao răng Đây là thao tác quan trọng trong quy trình lấy cao răng. Thông thường, nha sỹ sẽ sử dụng một dụng cụ y tế để cạo và làm bong mảng bám. Thao tác này đòi hỏi nha sỹ cũng phải có kỹ thuật chuẩn xác, và đặc biệt cẩn thận vì rất dễ làm tổn thương men răng và khiến nướu bị chảy máu.
Bước 4: Đánh bóng mặt răng Sau khi cao răng được loại bỏ, nha sỹ sẽ tiến hành bước cuối cùng để khép lại quy trình là đánh bóng mặt răng. Đây là bước được thực hiện nhằm giúp cho hàm răng trơn nhẵn và sáng láng hơn, ngăn ngừa các mảng bám cao răng có cơ hội quay trở lại.
LƯU Ý SAU KHI LẤY CAO RĂNG
Tránh ăn các loại đồ ăn quá nóng hoặc quá lạnh, tránh các đồ uống có màu hoặc cần dùng ống hút, hạn chế ăn các loại đồ ăn quá mềm và dính vì chúng rất khó vệ sinh, dễ bám vào răng và khiến các vi khuẩn và vụn thức ăn khác bám vào, hình thành nên cao răng.
Cùng với việc kiêng gì sau khi lấy cao răng, đánh răng đúng thời gian và quy cách cũng giúp bảo vệ răng tốt nhất. Đánh răng đúng cách, theo chiều dọc hoặc xoay tròn, tránh chải theo chiều ngang vì sẽ làm men răng bị mài mòn và ngày càng yếu đi. Bên cạnh đó, bạn cũng cần chú ý đến lực sử dụng khi chải răng. Không phải chải răng quá mạnh, vì như thế có thể làm mài mòn men răng đồng thời khiến nướu cũng bị tổn thương và chảy máu. Đánh răng đủ 2 lần/ ngày, vào buổi sáng sau khi ngủ dậy và tối trước khi đi ngủ.
Sử dụng kết hợp chỉ nha khoa để làm sạch các thức ăn còn mắc trong kẽ răng. Súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch y tế chuyên dụng để khoang miệng sạch sẽ hoàn toàn.