Cắt lợi răng khôn là tiểu phẫu thường gặp trong nha khoa. Nhiều người thắc mắc, cắt lợi trùm răng khôn có đau và nguy hiểm không. Nếu thực hiện bao lâu thì khỏi, cũng như rất nhiều câu hỏi liên quan đến chi phí, cách chăm sóc sau điều trị. Để có kiến thức tổng quát về phẫu thuật cắt lợi trùm, bạn đừng bỏ qua thông tin trong bài viết dưới đây!
1. Tìm hiểu về lợi trùm răng khôn
Lợi trùm răng khôn là tình trạng nướu che phủ một phần hoặc toàn bộ răng khôn khi mọc. Do răng khôn nằm ở vị trí góc kẹt khó vệ sinh và răng nhú lên từ từ nên thường dẫn đến các bệnh lý lợi trùm:
Viêm lợi trùm răng khôn
Phần nướu che khuất răng nên khi mọc, răng khôn đâm vào nướu gây ra sưng phồng, đau nhức.
Viêm lợi trùm có mủ
Do vi khuẩn hình thành và phát triển trong nướu, dẫn đến xuất hiện các túi mủ. Nếu không được điều trị sớm, vi khuẩn có thể lây lan đến các răng xung quanh và phá huỷ xương hàm.
Dấu hiệu của lợi trùm răng khôn dễ nhận biết. Bạn có thể nhìn thấy nướu sưng phồng lên ở vị trí mọc răng khôn và che khuất răng. Cùng với đó là cảm giác há miệng khó khăn, đau đớn khi ăn uống, giao tiếp.
Nướu sưng phồng lên ở vị trí mọc răng khôn và che khuất răng là dấu hiệu của lợi trùm răng khôn.
Không chỉ gây đau, các bệnh lý lợi trùm răng khôn còn có thể gây ra biến chứng:
Nhiễm trùng nướu
Sự tấn công của vi khuẩn và tác động lực của răng khôn đâm vào nướu lâu dài có thể khiến nướu bị nhiễm trùng. Tình trạng này càng kéo dài càng tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, lan rộng đến các mô xung quanh, thậm chí vào sâu cơ thể, gây ra các bệnh lý về tim mạch, đột quỵ.
Lung lay răng bên cạnh
Răng khôn khi mọc nghiêng/mọc ngang có thể đâm vào răng số 7, khiến răng này suy yếu và lung lay dần dần. Ngoài ra, khi răng không được làm sạch tốt, cặn thức ăn chính là cơ hội để vi khuẩn sinh sôi, phát triển và tấn công đến các răng bên cạnh.
Suy giảm sức khỏe thể chất, tinh thần
Các cơn đau do răng khôn đâm vào nướu/răng khôn nhiễm trùng gây ra khiến người bệnh cực kỳ khó chịu, không thể ăn uống, đau nhức cả ngày nên sức khoẻ sẽ nhanh chóng suy giảm.
2. Có nên cắt lợi trùm răng khôn không?
Cắt lợi trùm răng khôn là một thủ thuật đơn giản. Cụ thể là Bác sĩ tiến hành rạch nướu để răng khôn có điều kiện mọc lên dễ dàng. Nhiều bạn thắc mắc khi lợi trùm răng khôn có nên cắt không? Câu trả lời là tuỳ vào tình trạng mọc răng hiện tại.
Trong trường hợp răng khôn mọc thẳng thì bạn nên cắt lợi trùm để răng khôn mọc lên dễ dàng hơn, không đâm vào nướu và không gây ra sưng đau.
Trong trường hợp răng khôn mọc nghiêng/mọc ngang thì việc cắt lợi trùm không thể giải quyết hoàn toàn các biến chứng do răng mọc lệch gây ra (có thể đâm vào má, làm lung lay răng bên cạnh…) Lúc này, bạn nên nhổ luôn răng khôn mọc lệch để bảo vệ sức khỏe răng miệng tối ưu, ngăn ngừa biến chứng không mong muốn có thể xảy ra về sau.
Khi răng mọc lệch, bạn nên nhổ răng để phòng ngừa các biến chứng về sau.
3. Cắt lợi trùm răng khôn có đau, có nguy hiểm không?
Cắt lợi trùm răng khôn là một tiểu phẫu đơn giản hơn so với nhổ răng, thời gian thực hiện nhanh và ít sang chấn nên bệnh nhân cảm thấy ít đau hơn. Trong thời gian Bác sĩ tiến hành, người bệnh được gây tê nên hoàn toàn thoải mái, không đau nhức. Sau đó, Bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc giảm đau hỗ trợ nên bạn có thể yên tâm.
Mặc dù đây là điều trị đơn giản song người bệnh vẫn phải lựa chọn trung tâm nha khoa uy tín và Bác sĩ chuyên khoa để điều trị. Nhờ vậy, bạn mới phòng ngừa được rủi ro hay biến chứng không mong muốn, chẳng hạn như nguy cơ lây nhiễm chéo giữa các bệnh nhân nếu quy trình vô trùng không được đảm bảo.
4. Quy trình cắt lợi trùm răng khôn thế nào?
Quy trình cắt lợi trùm răng khôn tại Nha khoa Dr Care diễn ra trong 4 bước đơn giản:
Bước 1: Khám, chụp phim và tư vấn với Bác sĩ. Qua dữ liệu phim chụp, Bác sĩ có thể nắm chính xác tư thế răng khôn mọc và tình trạng lợi trùm để xây dựng kế hoạch can thiệp kỹ lưỡng, ít sang chấn.
Bước 2: Bệnh nhân thực hiện xét nghiệm máu, hoặc kiểm tra lâm sàng để Bác sĩ kiểm tra tình trạng đông máu, đảm bảo an toàn trong suốt quá trình cắt lợi trùm răng khôn.
Bước 3: Gây tê, tiến hành cắt lợi. Sau khi vệ sinh khoang miệng sạch sẽ, Bác sĩ gây tê tại vị trí cần xử lý, sau đó bắt đầu cắt lợi trùm. Sau khi hoàn tất, Bác sĩ sẽ cầm máu cho bệnh nhân.
Bước 4: Tái khám theo lịch hẹn và uống thuốc theo chỉ định của Bác sĩ.
5. Cắt lợi trùm răng khôn bao lâu thì khỏi?
Tuỳ vào cơ địa của mỗi người, thời gian lành thương có thể khác nhau. Nếu được điều trị bởi Bác sĩ chuyên khoa giỏi kỹ thuật, thực hiện ít sang chấn thì chỉ trong vài ngày, bệnh nhân không còn thấy đau và có thể sinh hoạt bình thường.
Sau 7 – 10 ngày, bệnh nhân được đặt hẹn quay lại phòng khám để Bác sĩ kiểm tra vết thương và quá trình lành thương.
6. Chăm sóc răng thế nào sau khi cắt lợi trùm răng khôn?
Để vết thương sau cắt lợi trùm mau lành, người bệnh cần lưu ý những điều sau đây:
- Những ngày đầu có thể đau, chưa há miệng được hoàn toàn, bạn nên ăn thực phẩm mềm, loãng như cháo, súp… Tránh ăn thức ăn còn nóng và không nên ăn cay vì có thể kích thích vết thương.
- Sử dụng bàn chải mềm chải răng sạch sẽ để tránh tình trạng nhiễm trùng.
- Không dùng vật nhọn chạm vào vết thương.
- Uống thuốc theo toa của Bác sĩ.Qua thông tin trên đây, hi vọng bạn đã hiểu hơn về kỹ thuật cắt lợi trùm răng khôn. Khi lựa chọn kỹ thuật cắt lợi trùm, người bệnh cần lưu ý đến phòng khám nha khoa uy tín – nơi có đội ngũ Bác sĩ giỏi, giàu chuyên môn để thực hiện. Nhờ vậy, bạn có thể an tâm với quá trình điều trị nhanh chóng, ít sang chấn và đạt hiệu quả tốt nhất.